PHẪU THUẬT BẢO TỒN VÀ ĐIỀU TRỊ I-131 TRONG UNG THƯ TUYẾN GIÁP THỂ BIỆT HÓA

Ngày đăng: 29-12-2020 14:38:21

Trong các bài trước chúng tôi đã giới thiệu về bệnh ung thư tuyến giáp – đây là mặt bệnh hay gặp tại Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội và là thế mạnh điều trị của Viện. Với đội ngũ y bác sĩ nhiệt tình, năng nổ, luôn cập nhật những phương pháp chẩn đoán và điều trị tiên tiến, chúng tôi hy vọng mang đến chất lượng điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Phóng xạ lâm sàng

Gần đây, chúng tôi hay nhận được đề nghị tư vấn những trường hợp ung thư tuyến giáp thể biệt hóa khi nào thì lựa chọn phẫu thuật bảo tồn ( cắt thùy và eo tuyến giáp); sau phẫu thuật với kết quả như thế này có cần điều trị xạ I-131 hay không?

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin gửi đến các bạn những chỉ định khi phẫu thuật bảo tồn trong ung thư tuyến giáp và khi nào cần/ không cần điều trị xạ I-131.

I. Nội dung:

1.1. Theo hướng dẫn của NCCN ( Version 2.2020 và trước đó) những trường hợp ung thư tuyến giáp thể biệt hóa thỏa mãn các tiêu chí sau đây thì có thể phẫu thuật bảo tồn:

- U 1 thùy tuyến giáp, đường kính < 4cm; không phá vỏ, không xâm lấn xung quanh

- Không có tiền sử tia xạ vùng cổ

- Không có hạch di căn vùng cổ

- Không có di căn xa

---> Đây là những trường hợp nguy cơ tái phát bệnh thấp, giai đoạn bệnh rất sớm. Khi phẫu thuật bảo tồn thì người bệnh KHÔNG cần điều trị xạ I-131, KHÔNG cần uống bù hormon nếu phần nhu mô tuyến giáp để lại vẫn sản sinh hormon đủ cho cơ thể hoặc cần bù thêm hormon tuyến giáp nếu phần nhu mô tuyến giáp còn lại sản sinh hormon không đủ.

---> Việc theo dõi sau khi phẫu thuật bảo tồn cũng được NCCN khuyến cáo nên theo dõi qua siêu âm vùng cổ và nồng độ Tg, A- Tg sau phẫu thuật 6 – 12 tuần, và giữ nồng độ TSH ở ngưỡng bình thường.

1.2. Ngoài những trường hợp ung thư tuyến giáp thể biệt hóa phẫu thuật bảo tồn sẽ KHÔNG cần điều trị xạ I-131 thì cũng có những trường hợp ung thư tuyến giáp thể biệt hóa sau khi phẫu thuật cắt toàn bộ cũng KHÔNG cần nhận điều trị liều I-131 là những trường hợp thỏa mãn các tiêu chí sau đây:

1.2.1. Những trường hợp xạ I-131 không được khuyến cáo:

- Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa ( thể nhú hoặc thể nang)

- U đường kính lớn nhất < 2cm, không phá vỡ vỏ

- Có thể có nhiều khối, nhưng đường kính các khối phải < 1cm

- Nồng độ Tg sau phẫu thuật 6 – 12 tuần khi dùng hormon tuyến giáp < 1ng/ml

- Nồng độ A- Tg < 100mg/ml.

- Siêu âm sau phẫu thuật không có bất thường bao gồm: còn nhiều nhu mô tuyến giáp, còn hạch cổ nghi ngờ di căn…

1.2.2. Những trường hợp xạ I-131 có thể cân nhắc:

- U đường kính từ 2 – 4cm

- Những biến thể của ung thư tuyến giáp thể biệt hóa

- Tế bào u xâm nhập bạch mạch

- Di căn hạch cổ

- Nhiều khối và kích thước khối > 1cm

- Khối u xâm lấn mức độ tối thiểu

----> Ngoài các tiêu chí chính mục 1.2.2 để cân nhắc khi KHÔNG xạ I-131 cần thỏa mãn thêm các tiêu chí sau: Nếu có di căn hạch cổ < 5 hạch; kích thước hạch < 0,2cm; nồng độ Tg < 1ng/ml; A- tg trong giới hạn cho phép.

II. Kết luận:

Qua bài viết này, chúng tôi hy vọng các bạn có thể nắm được căn cứ như thế nào mà khi mắc ung thư tuyến giáp bác sĩ tư vấn nên phẫu thuật bảo tồn hay cắt toàn bộ tuyến giáp. Và có nên điều trị I-131 hay không?

Hy vọng, Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội sẽ là địa chỉ tin cậy để các bạn tin tưởng và điều trị, các quý đồng nghiệp yên tâm khi gửi bệnh nhân đến.

Bản quyền thuộc về ungthutuyengiap.org. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng! Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ:

Bình luận

Bài viết liên quan

02438552353